Những ai được phép cư trú hợp pháp trên nước Đức
1. Đoàn tụ gia đình
Những người có chồng hoặc vợ hoặc con là người Đức thì được phép ” ăn theo” vợ, chồng hoặc con dưới hình thức đoàn tụ gia đình. Tức là có lý do chính đáng để được cư trú trên nước Đức.
Bất kỳ ai kể cả người Việt Nam, người Trung Quốc, người Nga … nếu có quốc tịch Đức thì “được gọi là” người Đức theo quy định của hiến pháp Đức, và chịu sự quản lý theo luật pháp của nước Đức. Vì nước Đức thông thường không cho phép mang hai quốc tịch cùng một lúc, nên khi có quốc tịch Đức thì quốc tịch trước đây của bạn không còn giá trị. Kể cả trong trường hợp Nước mà trước đây bạn mang quốc tịch cho phép bạn mang 2 quốc tịch đồng thời thì cũng không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý.
Nếu ai cố tình khôi phục lại quốc tịch trước đây của mình và bị phát hiện thì quốc tịch Đức coi như hết hiệu lực.
Người được đón từ Việt Nam thì phải có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Đức A1 của Viện Goethe (Có những trường hợp ngoại lệ không cần chứng chỉ ngoại ngữ vẫn có thể đón được, nhưng phức tạp hơn rất nhiều).
Những người muốn đón vợ, chồng hoặc con từ VN sang thì phải chứng minh được có nhà ở (đủ diện tích quy định tính theo đầu người), có đủ thu nhập ổn định đủ chi trả tất cả mọi chi phí cho gia đình. Việc tính toán số tiền gọi là “đủ” theo yêu cầu của Sở Ngoại Kiều là rất phức tạp, chỉ cần một chi tiết nhỏ khác nhau là sẽ dẫn đến số tiền gọi là “đủ” sẽ khác nhau. Việc này bạn nên nhờ đến sự tư vấn của luật sư.
Những người “ăn theo” vợ/chồng khi gia hạn thì thu nhập của cả hai vợ chồng cần phải đảm bảo cho cả gia đình. Một người có thu nhập thấp, còn người kia có thu nhập cao hơn cũng không sao cả, miễn là sau khi trừ mọi chi phí vẫn đảm bảo cuộc sống. Nhưng tốt nhất là cả hai đều có hợp đồng lao động và bảng lương đầy đủ, thì việc gia hạn sẽ rất đơn giản. Những người mà có vợ hoặc chồng là người Đức thì sau 3 năm là có thể xin cư trú vĩnh viễn (Niederlassungserlaubnis) hoặc có thể đặt đơn xin vào quốc tịch.
Trong trường hợp mẹ có con mà con là người Đức thì có thể được gia hạn một lần là 18 năm luôn. Con sẽ có quốc tịch Đức khi bố hoặc mẹ đứa trẻ là người Đức. Trong trường hợp bố hoặc mẹ không phải là người Đức nhưng sống trên nước Đức trên 8 năm thì đứa trẻ cũng sẽ được mang quốc tịch Đức. Nếu con không phải người Đức, nhưng có bố là người có giấy phép cư trú hợp pháp, thì mẹ thường cũng được ăn theo con. Gia hạn dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và tùy theo sở ngoại kiều mỗi nơi. Trong nhiều trường hợp mọi người chọn cách mang bầu để tránh bị trục xuất, cũng như những vấn đề liên quan đến luật hình sự.
Việc xin Kindergeld và Elterngeld trước khi gia hạn ở Sở Ngoại Kiều sẽ không bị ảnh hưởng đến việc gia hạn. Những trường hợp không phải là người Đức khi nhận con, cưới vợ hoặc chồng để được ở lại cũng có thể thực hiện được tùy theo từng trường hợp, phải xem hồ sơ cụ thể.
2. Nhận con nuôi
Một người được phép cư trú dài hạn trên nước Đức, không cần có quốc tịch Đức nếu đáp ứng được đầy đủ những điều kiện về mặt pháp luật sẽ được phép nhận trẻ con ở VN làm con nuôi. Thời gian cho việc thực hiện thủ tục này thường kéo dài vài năm và người nhận con thường phải bay về VN vài lần để thực hiện các thủ tục pháp lý.
Khi luật sư giải quyết những thủ tục về luật ngoại kiều cho khách hàng, về mặt pháp luật thường là rất đơn giản. Để đạt hiệu quả công việc, giảm tối đa thời gian chờ đợi cũng như chi phí cho khách hàng, thì kỹ năng đàm phán của luật sư đóng vai trò quyết định. Sở ngoại kiều là một cơ quan quản lý của nhà nước, nhưng xét duyệt hồ sơ giấy tờ thì là những con người với đầy đủ những cảm xúc…giống như tất cả những công dân khác trong xã hội. Chính vì điều này việc hiểu được văn hóa, cách sống, cách suy nghĩ của họ đóng vai trò quyết định đến hiệu quả công việc.
Cách tiết kiệm nhất và nhanh nhất là hãy cố gắng làm đúng ngay từ đầu. Mọi người không nên tích kiệm một ít tiền đi luật sư để tư vấn, để rồi hỏng cả việc lớn mà lại còn tốn kém gấp nhiều lần chỉ vì thiếu một vài đồng hay một vài chi tiết nhỏ bị thiếu trong hồ sơ.
3. Những lý do cư trú khác
a) Những nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào nước Đức cũng sẽ được cấp phép cư trú hợp pháp (xem thêm bài viết ” thủ tục đầu tư vào nước Đức”). Sau thời gian khoảng 3 năm có thể xin giấy phép cư trú vĩnh viễn tại Đức.
b) Những người đi làm nghiên cứu sinh được cấp phép cư trú tại Đức trong thời gian nghiên cứu tại Đức. Thời hạn cư trú được tính theo thời gian làm nghiên cứu (thường là khoảng 4 năm). Những nghiên cứu sinh được phép mang theo vợ và con trong thời gian nghiên cứu tại Đức.
c) Sinh viên sang học đại học, học tiếng cũng được cấp giấy phép cư trú hợp pháp trên nước Đức. Thời hạn cư trú phụ thuộc vào sở ngoại kiều của từng bang và liên quan đến quá trình học tập, chương trình đào tạo…và tiền trong tài khoản ngân hàng của sinh viên. Nếu có điều kiện để làm dịch vụ thì Âu Cơ là một địa chỉ uy tín mọi người có thể tin tưởng. Còn không thì tự tìm hiểu thông tin trên mạng đặc biệt là trang của hội SV Việt Nam tại Đức.
Trong trường hợp SV muốn chuyển từ học Đại Học sang học nghề thì Sở ngoại kiều sẽ không đồng ý cho chuyển đổi hình thức cư trú, nhưng có thể nhờ luật sư giúp, tùy trường hợp vẫn có thể thực hiện được.
d) Những người học nghề tại Đức cũng được cấp giấy phép cư trú hợp pháp. Thời hạn cư trú phụ thuộc vào chương trình đào tạo của các trường dạy nghề, thường là 3 năm. Thẻ cư trú theo luật, chỉ được gia hạn khi được sở lao động (Bundesagentur für Arbeit) chấp thuận
Chương trình đạo tạo nghề của Đức đứng hàng đầu thế giới, với việc học song song giữa lý thuyết và thực hành học sinh sau khi ra trường là làm việc được ngay. Không giống như học đại học, nhiều sinh viên ra trường không có thực tế nên thường khó xin việc.
Để sang được Đức theo diện này thì khó khăn hơn so với đi học đại học và cao học, thường thì chỉ những ngành nghề mà nước Đức thiếu người học (như ngành điều dưỡng…), mà nhu cầu cho tương lai được dự đoán là sẽ bị thiếu thì những người ở Việt Nam mới được nhận sang để đào tạo.
e) Chương trình Au Pair cũng là một cơ hội để các bạn trẻ từ 18 đến 26 tuổi có cơ hội cư trú hợp pháp tại Đức trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Au Pair là một chương trình ở cùng gia đình người bản xứ, giúp họ việc nhà và được tiền tiêu vặt hàng tháng (ca. 260 €). Những bạn đi theo diện này, vẫn được pháp luật bảo vệ và hưởng một số quyền lợi dành cho những người lao động trên nước Đức.
Ngoài ra còn một số trường hợp đặc biệt khác cũng được phép cư trú hợp pháp tại Đức nhưng không nêu ra ở đây.
Bạn hãy chia sẻ thông tin này đến với cộng đồng người Việt Nam, để mọi người có thể tích kiệm tiền bạc cũng như thời gian trong vấn đề này. hay nhấn Like trang Fanpage của VP để luôn được cập nhật những thông tin pháp luật hữu ích cho bản thân.
Luật Sư Julia Yen Vu
Văn phòng luật sư cho người Việt Nam tại Đức: RELIDE
hợp tác cùng các Luật Sư Hoppe, Ittner, Koehler, Rübben
Tel: 030 5891 3389
Email: vanphongluat@relide.de
Friedrichstraße 63, 10117 Berlin (U2, U6 Stadtmitte)
http://relide.de/