Tư vấn thành lập công ty – GmbH (phần 1)
Khi bạn qua bước khởi nghiệp, muốn mở rộng công việc kinh doanh và cần kêu gọi nhà đầu tư, lôi kéo thêm thành viên, hoặc vay vốn ngân hàng, việc thành lập một doanh nghiệp có tổ chức minh bạch là điều bạn cần phải thực hiện.
Mô hình doanh nghiệp được ưa chuộng nhất tại Đức là công ty trách nhiệm hữu hạn GmbH hoặc UG. (Gesellschaft mit beschränkter Haftung hoặc Unternehmergesellschaft ). Đây là một hình thức tổ chức doanh nghiệp hiệu quả và có đầu tiên tại Đức từ năm 1892, và sau đó được áp dụng tại nhiều đất nước khác trên thế giới.
Để đáp ứng một số câu hỏi cơ bản, sau đây chúng tôi sẽ liệt kê ra những đặc điểm chung quan trọng của một GmbH theo bộ luật GmbHG của Đức.
I.
1. Góp vốn thành lập công ty
Một công ty trách nhiệm hữu hạn (GmbH) là một doanh nghiệp có tư cách pháp lý độc lập bao gồm một hoặc 2 thành viên trở lên. Vốn điều lệ bắt buộc tối thiểu là 25.000,00 Euro.
Cho những người vốn ít mà muốn thành lập doanh nghiệp thì lựa chọn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ là tối ưu (UG), bởi vì bạn có thể thành lập UG với vốn điều lệ từ 1 Euro trở lên. Mô hình công ty này khá linh động và thích hợp với người ít vốn hoặc mới khởi nghiệp.
2. Điều lệ công ty và cơ cấu tổ chức quản lý công ty
Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm Hội đồng thành viên (Gesellschafterversammlung) và Giám đốc (Geschäftsführer). Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh, và là người đại diện theo pháp luật để giải quyết mọi công việc hàng ngày của doanh nghiệp. Trước Hội đồng thành viên, giám đốc phải chịu trách về những việc mình đã thực hiện. Nếu muốn có thêm cơ quan giám sát công việc của Giám đốc, các thành viên có thể thành lập một Ban kiểm soát (Aufsichtsrat).
Thông thường, Giám đốc của một công ty trách nhiệm hữu hạn tại Đức được phép điều hành công việc từ nước ngoài. Vì vậy Giám đốc của một GmbH của Đức không nhất thiết cần giấy phép cư trú dài hạn tại Đức. Khi cần giải quyết công việc tại Đức, Giám đốc có thể đệ đơn xin Visa ngắn ngày tại Đại sứ quán Đức (Geschäftsvisum). Nếu Giám đốc là người Việt có giấy phép cú trú hợp pháp tại một nước EU thuộc nhóm Schengen, thì mỗi lần sang Đức ngắn hạn để giải quyết công việc, không cần xin Visa và giấy phép đi làm.
Bất cứ khi nào làm ăn với đối tác có yếu tố nước ngoài (ngoài nước Đức), Giám đốc cũng nên thỏa thuận áp dụng luật pháp Đức để tránh việc xảy ra tranh cãi.
3. Nghĩa vụ của các thành viên
Các thành viên có nghĩa vụ là góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết trong điều lệ, và không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty. Ngoài ra các thành viên sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân khi công ty vi phạm hợp đồng với các đối tác. Tuy nhiên các thành viên không được tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch đi ngược với lợi ích của công ty. Nếu cố ý vi phạm pháp luật hoặc điều lệ của công ty, thì các thành viên vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Các GmbH với một thành viên kiêm Giám đốc (1-Mann-GmbH) nên chú ý: khi đã thành lập GmbH, người chủ không được phép tùy tiện rút tiền mặt ra khỏi tài khoản để dùng cho các mục đích cá nhân nữa. Nếu làm như vậy, bạn sẽ gặp rắc rối to với sở thuế, và thậm chí nếu nặng, còn có thể bị truy tố theo bộ luật hình sự. Nhất là khi báo phá sản, bên quản lý phá sản (Quản tài viên / Insolvenzverwalter) sẽ soi lại mọi hành động của thành viên hoặc Giám đốc để đòi bồi thường.
4. Trong quá trình thành lập, các thành viên và Giám đốc cần lưu ý 2 điều sau:
a. Công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ thực sự được công nhận tư cách pháp lý độc lập khi được thông báo với Cơ sở tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp (Registergericht, thường nằm ở tòa án thành phố – Amtsgericht) và được ghi vào Sổ thương mại của Đức (Handelsregister). Sau đó công ty này mới có đủ thẩm quyền về mặt luật pháp. Những công ty chưa đăng kí mà đã đi vào hoạt động, nếu xảy ra tranh cãi tố tụng, thì thành viên hoặc Giám đốc sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm.
b. Khi một thành viên cho công ty vay vốn, thì trong trường hợp công ty vỡ nợ, anh ta có quyền đòi lại vốn đóng góp. Tuy nhiên số tiền cho vay của thành viên thông thường chỉ được thanh toán sau khi đã trả nợ xong cho những đối tác khác.
II. Thành lập công ty
1. Thành viên cổ đông
Không có luật qui định số lượng thành viên nhất định mà một công ty trách nhiệm hữu hạn cần phải có. Kể cả một thành viên cũng có thể lập công ty. Người nào cũng có quyền lập công ty, kể cả người trong nước hay ngoài nước.
2. Điều lệ công ty
Điều lệ công ty bắt buộc phải có công chứng của Notar và tối thiểu phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
– tên của doanh nghiệp (Firma)
– địa chỉ trụ sở chính của công ty (Sitz)
– ngành, nghề kinh doanh (Gesellschaftszweck)
– vốn điều lệ (Stammkapital)
– danh sách và số vốn đóng góp của các thành viên (Gesellschafterliste mit den übernommenen Stammeinlagen)
3. Vốn điều lệ
Vốn điều lệ tối thiểu của GmbH là 25.000 Euro, của UG là 1 Euro. Theo quy định pháp luật, UG hướng tới việc dần dần phải đạt được mức vốn của một công ty trách nhiệm hữu hạn bình thường là GmbH, nên hàng năm không được phép chia hết lợi nhuận cho thành viên, mà phải lưu lại ít nhất 25 % tổng số lợi nhuận để đắp vào vốn điều lệ cho đến khi UG đạt được số vốn tối thiểu là 25.000 Euro và chính thức trở thành GmbH.
(Mời bạn theo dõi phần 2 trên Website hoặc Facebook của văn phòng)
Kanzlei Relide
Luật Sư Julia Yen Vu
Mainzer Str. 21, 10247 Berlin
Tel: 030 5891 3389 Tiếng Việt
Fax: 030 2064 4499
Email: vanphongluat @ relide.de
T2 – T6: 09h00 – 18h00
U2, U6 Stadtmitte
Parkhaus ca. 100 m