Hiệu lực hợp đồng và hợp đồng vô hiệu
Căn cứ vào các quy định hợp đồng dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Người tham gia hợp đồng có năng lực hành vi;
(ii) Mục đích và nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
(iii) Người tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;
(iv) Đối tượng của hợp đồng phải thực hiện được.
Riêng vấn đề hình thức, BLDS quy định hình thức giao dịch chỉ bị coi là điều kiện có hiệu lực của giao dịch khi pháp luật có quy định.
Như vậy, các hợp đồng không thỏa mãn các điều kiện trên sẽ bị xem là vô hiệu và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Để hiểu được thấu đáo tinh thần các điều luật này, có lẽ nên phân tích sơ qua về chế định giao dịch vô hiệu. Pháp luật các nước thường phân biệt hai loại hợp đồng vô hiệu là vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối.
Xưa nay, lý thuyết về hợp đồng vô hiệu là một trong các đề tài gây nhiều tranh cãi nhất trong dân luật. Tựu chung lại, có hai lý thuyết chủ yếu: lý thuyết hợp đồng vô hiệu là hợp đồng vi phạm các điều kiện giao kết hợp đồng (còn gọi là lý thuyết hợp đồng không tồn tại) và lý thuyết hợp đồng vô hiệu là hợp đồng vi phạm các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (còn gọi là lý thuyết hợp đồng có thể bị hủy).
Lý thuyết thứ nhất, xuất phát từ quan niệm coi hợp đồng như một thực thế sống, cho rằng hợp đồng bị coi là vô hiệu tuyệt đối (hợp đồng chết ngay từ khi sinh ra) khi nó không đáp ứng được các điều kiện chủ yếu của giao kết hợp đồng, chẳng hạn như thỏa thuận giữa các bên bị khiếm khuyết đến mức không hề có sự gặp gỡ ý chí giữa hai bên, ngược lại, hợp đồng bị coi là vô hiệu tương đối (hợp đồng bị “bệnh”) nếu nó vi phạm những điều kiện kém thiết yếu hơn của giao kết hợp đồng.
Lý thuyết thứ hai, không chú trọng đến ý niệm về “thực thể hợp đồng” mà chỉ coi sự vô hiệu là một chế tài, vì vậy, nhấn mạnh đến việc phân biệt hợp đồng vô hiệu tuyệt đối hay tương đối căn cứ vào mục đích bảo vệ của từng loại chế tài đó. Hiện nay, pháp luật các nước có xu hướng thiên về lý thuyết thứ hai, coi chế định hợp đồng vô hiệu là một chế tài, theo đó chế tài vô hiệu tuyệt đối nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, chế tài vô hiệu tương đối nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân.
Văn phòng luật Relide
Rechtsanwältin Julia Yen Vu