Học nghề hay học đại học trên nước Đức
Tôi xin gửi đến các bạn có ý định sang Đức học đại học hoặc học nghề những thông tin đúng sự thật những thông tin chính xác về cuộc sống hàng ngày cũng như sự khác nhau giữa hai hệ thống đào tạo trên nước Đức để các bạn có thể lường trước được khó khăn, chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi bước đi trên con đường sang Đức để du học hoặc học nghề. Xã hội sẽ phát triển hơn nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ những thông tin đúng sự thật và chính xác.
Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ tôi quyết định viết ra sự thật về chính bản thân mình cũng như thực tế của du học sinh bên này để các bạn đang có ý định sang Đức có một cái nhìn thực tế trước khi đưa ra quyết định cho bản thân. Bởi vì dù có phân tích theo khía cạnh nào đi nữa cũng là cách nhìn, cách đánh giá theo chủ quan của bản thân tôi. Cách tốt nhất theo tôi nghĩ là tôi sẽ trình bày những sự việc bản thân tôi và những người bạn đã trải qua trên nước Đức này như thế nào. Còn việc nhìn nhận sự việc như thế nào tôi xin để cho chính bản thân của mỗi người tùy vào điều kiện hoàn cảnh, cũng như cách suy nghĩ… mà đưa ra đánh giá cho chính mình.
Tại sao tôi phải đắn đo suy nghĩ? Bởi vì về mặt tâm lý tôi cũng giống như bao người khác cũng sợ bị người thân, bạn bè cười chê là kém cỏi … khi không thực hiện được việc gì đó “to tát” giống như mọi người mong đợi … cũng sợ bị mọi người biết sự thật mình là một “người nghèo” trong khi bản thân luôn tỏ ra là một người khá giả.
Tôi cũng giống như phần lớn đại đa số mọi người dân Việt Nam được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp công nhân và nông dân. Không có bất kỳ mối quan hệ hay họ hàng nào với những người có chức quyền…
Và cũng như mọi ông bố bà mẹ Việt Nam với lòng yêu con vô bờ bến, thì tất cả những gì bố mẹ dành dụm tích kiệm được đó là một ngôi nhà, bố mẹ cũng bán đi để cho tôi có tiền đi sang Đức du học với mong muốn con mình sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn sau này.
Trước khi sang Đức du học cách đây hơn 10 năm tôi từng là sinh viên của trường Đại Học Giao Thông Vận Tải Hà Nội và sau khi không thể hoàn thành chương trình Master tại trường đại học TU Berlin chuyên ngành điện tử viễn thông đúng theo thời hạn, tôi đã hân hạnh được họ mời ra khỏi trường (Exmatrikulation). Sau một thời gian lăn lộn đi làm kiếm sống từ việc giao đồ ăn đến tận nhà cho khách hàng, rửa bát phụ bếp, chạy bồi, cuốn Sushi … tôi quyết định xin đi học nghề đầu bếp sau đó đã tốt nghiệp và có bằng Chefkoch.
Chính vì bản thân trải qua cả hai hệ thống đào tạo này cũng như là người sống trải qua khoảng thời gian là du học sinh nhiều năm trên nước Đức nên tôi hiểu được cả hai hệ thống đào tạo này một cách đầy đủ, rõ ràng cũng như hiểu cuộc sống của học sinh sinh viên bên này là như thế nào.
(Tổ chức và tham gia biểu tình cùng các bạn sinh viên trên toàn nước Đức trước đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin khi còn là sinh viên)
Ngày tôi sang đến Đức tất cả tài sản là số tiền 7.000,00 € trong tài khoản và 500,00 € bố mẹ tôi vay lãi để cho tôi cầm tay sang Đức. Với số tiền ít ỏi này, tính bình quân ngày ấy một tháng chi trả hết 150 € tiền nhà, 50 € tiền bảo hiểm, tiền học tiếng khoảng 200,00 € một tháng. Tính tổng cộng là đã hết 400,00 € rồi. Chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày … nhìn vào là thấy ngay số tiền trên sẽ hết trong vòng khoảng 06 đến 07 tháng.
Vì thế cho nên việc đầu tiên cần phải tiến hành ngay là phải xin đi làm thêm bằng mọi giá. Khổ nỗi ngày mới sang tiếng thì kém, chẳng biết nghề ngỗng gì nên chẳng ai thuê. Việc duy nhất có thể làm khi đó là đi rải tờ rơi với mức lương là 10,00 € cho 1.000,00 tờ rơi. Với cái ba lô nặng trĩu trên vai với đống tờ rơi này bên trong bạn cần đi bộ liên tục khoảng 5 tiếng đồng hồ để có thể làm xong công việc này (ngày đó chưa có đặt đồ ăn qua Internet như bây giờ nên các quán đều phải thuê người đi rải tờ rơi vào hòm thư của từng người dân để họ gọi điện đặt đồ). Và kết quả sau một vài ngày dưới thời tiết âm vài độ thì làn da toàn được tắm dưới ánh nắng vài chục độ qua hơn hai chục năm tại Việt Nam nó bong ra từng mảng ở tay khi sang đến trời Tây.
Sau khi bạn làm tốt công việc này thì bạn có một quan hệ nhất định với chủ quán và người ta có thể giúp đỡ bạn bằng cách tạo điều kiệndạy cho bạn phụ bếp, thái rau, rửa bát … Và tiếp theo nữa khi bạn cố gắng phấn đấu học tiếng Đức khá hơn một chút thì khi nào thiếu công nhân, người ta sẽ cho bạn được phép ra “mặt tiền” rót nước và sau đó là chạy bồi. Với những công việc như vậy thì mức lương khi đó khoảng 40,00 € đến 50,00 € cho một ngày làm việc 12 tiếng.
Với những người có chỉ số IQ thuộc dạng trung bình kém như tôi thì thực sự không có sự chọn lựa nào khác cả.
Đương nhiên tôi cũng biết có những bạn sinh viên có điều kiện kinh tế tốt hơn chỉ phải lo mỗi việc học. Hay những bạn sinh viên học giỏi và thuộc diện xuất sắc nên không phải đi làm thêm những việc như tôi kể trên, mà thay vào đó là có những công việc trong trường đại học… Nhưng những người xuất sắc như vậy là không nhiều, nếu không nói là rất ít so với số đông còn lại.
Với việc vừa học vừa làm kéo dài hết ngày này sang tháng khác một tuần đủ 07 ngày mỗi ngày hơn mười tiếng đồng hồ, chưa kể thêm vì những nỗi buồn vô hạn nơi xa xứ thi thoảng vào tối thứ sáu hoặc thứ bẩy đám sinh viên đi làm thêm đến 12 giờ tối mới mò về đến ký túc vẫn tụ hợp nhau đàn ca sáo nhị ăn uống…đến ba, bốn hay năm giờ sáng.
Với những sinh hoạt và làm việc như trên bạn không thể đủ sức khỏe để mà tập trung vào việc học được. Thêm vào đó việc ăn uống cũng phải tằn tiện tiết kiệm. Chúng tôi thường mua đồ sắp hết hạn hoặc giảm giá rồi chia nhau cho nó rẻ (các bạn có thể đi mua hàng vào sáng sớm ngày thứ hai đầu tuần, khi đó đồ sắp hết hạn sẽ được giảm từ 30% đến 50%. Bạn sẽ chỉ phải mua một lần và dùng cho cả tuần. Vừa tích kiệm được thời gian lẫn tiền bạc.).
Về phần quần áo, cũng như những nhu yếu phẩm khác thì tôi thường mua đồ cũ trên mạng (trang Ebay.de) hoặc ra chợ đồ cũ (ở thành phố nào cũng có vào ngày thứ bẩy hoặc chủ nhật) mua về để dùng. Nhiều thứ giá chỉ 1 € nhưng nếu mua mới thì vài chục Euro, nhưng giá trị sử dụng của đồ cũ so với đồ mới thì chẳng khác gì nhau. Cách này cũng giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Với tất cả những điều kiện như trên thì việc một sinh viên ra được khỏi trường đại học sau khoảng 8 hay 10 năm là một điều rất bình thường đối với những du học sinh Việt Nam trên nước Đức. Mà nếu ra được trường trong từng ấy năm cũng đã là những người rất cố gắng và giỏi rồi. Còn những người được mời ra khỏi trường hoặc nửa chừng thấy sắp được mời ra và tìm cách ở lại vì không thể quay về VN vì còn nhiều nỗi sĩ diện với những người xung quanh như tôi thì tôi thấy là đó là số đông hơn gấp bội.
Với những sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường thì khả năng xin được việc cũng là rất thấp. Bạn cần xác định rằng để nhận được một việc làm ở cùng một vị trí thì năng lực của bạn cần phải gấp rưỡi so với người bản xứ hoặc bạn phải đi sang những thành phố tỉnh lẻ nơi thiếu người làm thì mới mong có được việc.
So với việc học đại học, việc học nghề ở Đức đơn giản hơn rất nhiều. Theo cách phân loại hệ thống đào tạo của Đức thì học nghề sẽ phù hợp với những người mà lực học ở mức trung bình hoặc thiên về thực hành..:) Bởi vì bạn không cần phải có tư duy tốt để hình dung tưởng tượng về một khái niệm, một định nghĩa mang tính trìu tượng như trong sách tại trường đại học. Cũng không có những phương trình toán học dài lê thê kín cả một mặt trang A4. Bạn cũng không phải đọc cả tá sách để tìm hiểu một vấn đề từ thời xa xưa đến tận thời điểm hiện tại để có thể hoàn thành một môn thi như ở trường đại học.
Trong lý thuyết cho học nghề tất cả chỉ có một vài quyển sách và nội dung trong đó được người ta dạy đi rồi lại dạy lại cho bạn trong suốt thời gian học nghề. Khi học nghề thì lý thuyết và thực hành luôn đi cùng với nhau (bạn làm việc tại những nhà máy, bệnh viện, nhà hàng…) bạn học lý thuyết có gì, thì được nhìn thấy ngay, sờ thấy ngay và làm ngay nên rất đơn giản để nắm bắt được vấn đề một cách đầy đủ. Chỉ trừ trường hợp bạn không muốn học còn không thì tôi cam đoan là bạn có thể tốt nghiệp và xin được việc làm sau khi ra trường.
Chương trình đào tạo nghề đối với người bản xứ là làm sao họ chỉ phải học và làm ở nơi thực tập là đủ, về nhà không cần phải học thêm, tìm hiểu thêm gì hết. Bạn học như thế nào thì khi thi nó giống hệt như vậy, không có một tý gì là đòi hỏi cao cả. Tất cả là họ muốn bạn thuộc lòng quy trình làm việc đến mức thành một thói quen công việc hàng ngày. Cái điều duy nhất mà họ yêu cầu là phải làm đúng như họ hướng dẫn theo một quy trình đã được đưa ra sẵn.
Còn việc học đại học là bạn phải tự tìm hiểu hết mọi thứ, những gì khi bạn đến trường ngồi nghe giảng hoặc nhận được từ giáo viên…thì cũng chỉ là những thông tin mang tính chất khung cơ bản. Mọi vấn đề bạn phải tự tìm hiểu sâu thêm. Hình thức thi và câu hỏi khi thi đòi hỏi bạn thể hiện là bạn hiểu vấn đề, không đòi hỏi bạn phải học thuộc như một con vẹt. Nhiều môn thi bạn được mang theo tài liệu thoải mái.
Một hợp đồng học nghề theo quy định của luật pháp Đức cũng là một hợp đồng lao động. Nên phải chịu trách nhiệm và được hưởng đầy đủ quyền lợi như một người lao động bình thường. Bên cạnh đó học sinh vẫn phải tuân thủ theo những quy định về luật giáo dục dành cho học sinh.
Đối với những người đi học những nghề nước Đức cần chẳng hạn như chăm sóc người già, y tá, điện tử, điện lạnh, đường sắt, lái tàu, cơ khí…thì người ta tạo cơ hội cho bạn sang Đức để đi học và làm việc. Nên việc xin được Visum dễ dàng hơn.
Sau khi học nghề bạn vẫn có thể tiếp tục học những chương trình đào tạo nâng cao khác, để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình nếu bạn mong muốn.
Cả 02 trường hợp nêu trên, nếu xin được việc làm theo đúng nghề mình học thì có thể đặt đơn xin cư trú hợp pháp trên nước Đức. Sau đó có thể cưới chồng/vợ và những người đó có thể ăn theo bạn để được phép sống hợp pháp trên nước Đức.
Cái lớn nhất mà các bạnhọc được khi sang Đức là khả năng sống độc lập, tự thân vận động. Cách sống và cách làm việc có nguyên tắc, tính kỷ luật cực cao của người Đức. Và trên hết đó là Sự trung thực luôn được cả xã hội đề cao và tôn trọng.
Mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh kinh tế, mối quan hệ, khả năng tư duy, tính cách… khác nhau. Nên không thể so sánh người này với người khác, tôi chỉ đưa ra những thông tin về bản thân cũng như những người bạn sinh viên cùng thời với tôi để các bạn tự đánh giá so sánh cho chính bản thân mình. Mong là các bạn sẽ lựa chọn cho mình một quyết định đúng đắn.